Độ đèn led ô tô xe máy và tất tần tật thông tin cần biết.

Xu hướng độ đèn led ô tô xe máy không còn mới, ngoài mục đích tăng sáng nó còn giúp những chiếc xe trở nên sang trọng hơn với ánh sáng trắng đẹp mắt.

do-den-led-o-to-xe-may-va-tat-tan-tat-thong-tin-can-biet

Trước những năm 2018, tất cả xe hơi và xe máy đều sử dụng một công nghệ chiếu sáng cũ đó là bóng đèn sợi đốt (hay còn có tên bóng halogen).

Nhưng kể từ khi những phiên bản xe hơi (đa phần trong phân khúc C) ra đời từ 2019 trở lại đây hãng sản xuất đã trang bị công nghệ đèn led nhằm tăng khả năng chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng và sang trọng hơn.

Ngoài ba mục đích chuyển đổi công nghệ chiếu sáng kể trên có lẽ nó còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa đó là xu hướng thiết kế mới. Nếu để ý có thể thấy, thiết kế ngoại thất cho xe hơi trong vài năm trở lại đây có nhiều thay đổi và các nhà sản xuất đã “bắt trước” nhau trong một vài mô hình.

Trước đây, bề ngoài chiếc xe thường cho khách hàng cảm nhận về sự tròn trĩnh cục mịch, nhưng nay nó có vẻ thuôn dài, góc cạnh hơn. Phần mui trông dài hơn, không còn “bầu bầu, cục mịch, béo múp” như trước. Chính vì vậy, cần các chi tiết phải thanh mảnh hơn, kéo dài ra chứ không bo tròn.

Cho nên nếu vẫn sản xuất cụm đèn theo xu hướng cũ sử dụng bóng Halogen thì rất khó phù hợp thời thế, xấu xí vậy thì chẳng ma nào thèm. Cơ bản của cụm đèn sử dụng bóng đèn sợi đốt phải có diện tích lớn để có khung chứa choá phản xạ ánh sáng, không có bộ phận này ánh sáng sẽ không phản xạ ra ngoài được. Mà thiết kế nhỏ đi thì cụm đèn không có khả năng chiếu sáng hiệu quả.

Lẽ đó, chuyển sang công nghệ led là bước tiến vẹn cả đôi đường. Giờ đây nếu nhìn vào “cái bản mặt” vợ hai yêu quý các bác có thể thấy một điều gì đó mới mẻ, đáng yêu. Điển hình: trước đây mắt phải to mới đẹp, nhìn mới rõ. Nhưng nay “mắt đã lá răm, lông mày lá liễu”. Những chiếc xe mới cụm đèn chính đã được thiết kế lại, hạ xuống bên dưới, trang bị thêm đèn định vị ban ngày (DRL) phía trên như cặp lông mày thanh mảnh đáng yêu. Nó khiến cho “toàn bộ bản mặt” cũ trông ghét ghét giờ đây trở nên quyền quý hơn, nhìn độc đáo và đáng yêu hơn. Mà khi đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên thì “cưới ngay” chứ còn gì.

Và rồi, khi công nghệ đèn led đã lên ngôi thì các nhà sản xuất, những người buôn bán ngay lập tức nhảy vào thị trường này, dẫn tới một tình trạng “nhan nhản các loại đèn led cho ô tô với cái tên na ná như nhau”.

Khách hàng tìm mua đèn led ô tô như bước vào một ma trận, và chẳng biết đâu là sản phẩm phù hợp nhất cho choá đèn của mình, hiệu quả đến đâu, hậu mãi thế nào.

Mà không chỉ đèn đâu, giờ các dòng phụ kiện cho xe hơi như :camera hành trình, đầu dvd, định vị GPS … Đều trong tình trạng như vậy. Khách hàng đều ngán ngẩm khi lần đầu tìm mua, khó có thể phân định được sản phẩm đủ với sở thích và yêu cầu của mình.

Lan man quá các bác ạ, vào chủ đề chính hôm nay em sẽ nói. Đèn led ô tô. Vậy để chọn mua được bộ đèn led ô tô “ưng ý” cần biết những gì?

Hãy xem qua 3 công nghệ chiếu sáng dưới đây để hiểu rõ cách chúng hoạt động và các thuật ngữ liên quan.

NỘI DUNG CHÍNH

Đèn halogen sử dụng choá phản xạ.

Đây là tiền thân, là ông tổ của công nghệ đèn pha cho ô tô xe máy và một số phương tiện khác.

Để có thể chiếu sáng theo phương nằm ngang giúp người vận hành có thể nhìn rõ các vật cản phía trước thì nó phải cấu thành bởi ba bộ phận chính

– Nguồn sáng: tất nhiên không có nguồn sáng thì làm sao có ánh sáng. Và nguồn sáng tất nhiên nó là bóng đèn halogen.

– Choá phản xạ: bộ phận quan trọng thứ hai để giúp ánh sáng phát ra theo hướng nằm ngang. Có thể hình dung, choá phản xạ như một tấm gương, nó sẽ phản xạ toàn bộ ánh sáng của nguồn sáng được chiếu vào nó sau đó đi ra theo hướng ngược lại. Để mường tượng rõ hơn có thể nghĩ đến việc soi ánh sáng đèn pin vào một tấm gương soi.

Tấm choá phản xạ thường được chế tạo bằng chất liệu nhựa (giảm trọng lượng và chi phí sản xuất) sau đó mạ một lớp Si tráng giúp ánh sáng có thể phản chiếu ra ngoài.

– Cụm đèn: toàn bộ tổng thể của khoang chứa các bộ phận.

Đèn ô tô sử dụng công nghệ bóng đèn sợi đốt vẫn thực sự hữu dụng cho đến ngày nay, nó sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm giúp các hãng xe cạnh tranh tốt hơn trong cùng phân khúc.

Nhưng công nghệ này cũng dần trở nên lỗi thời như bao công nghệ khác, việc sử dụng bóng đèn sợi đốt giống như việc đốt một đống lửa giữa đêm đông. Muốn nó sáng hơn sẽ cần nhiểu củi hơn, và nó sẽ tối dần nếu củi không còn nhiều, và cơ bản là nó rất nóng vì tạo ra nhiều năng lượng. Như vậy nó sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng cho chiếc xe.

Nếu để ý các bác có thể thấy một điều thú vị. Các loại bóng halogen tăng sáng trên thị trường sẽ được sản xuất bằng cách tăng công suất (công suất chuẩn cho các bóng halogen là 55W, công suất cho các bóng tăng sáng là 60W). Bản chất chỉ là thêm củi vào đống lửa để cháy to hơn. Em trộm nghĩ “đố ông sản xuất nào thêm củi để lên 80W-100W đấy, để xem nó sáng đến mức độ nào.

Bước tiến, đèn Xenon hay còn gọi là đèn HID.

Hai khái niệm: Xenon và -HID là cách gọi quen thuộc chỉ chung về một loại công nghệ chiếu sáng nâng cấp cho công nghệ đèn halogen. Có gì đó sai sai, nhưng thôi kệ các bác. Em sẽ cùng đàm đạo theo cách cách bác gọi. Còn thuật ngữ thì các bác chịu khó tìm trên Google giúp em.

Cũng giống như bóng halogen, để phát sáng nó sử dụng công nghệ đốt. Nếu halogen sử dụng sợi dây tóc phát nóng đỏ rực thì Xenon lại ăn cắp bản quyền của “thần sét”.

Cơ chế phát sáng của bóng đèn Xenon: nguồn điện (đa phần 12V, có xe sử dụng 24V) đi vào một bộ kích (nôm na gọi là Ballast).

Ballast có chức năng kích nguồn điện từ 12V lên 23.000V sau đó đi vào hai đầu nguồn cực trong bóng xenon. Hai đầu cực âm dương này sẽ “đánh lửa” tạo ra một hiệu điện thế cao trong bầu chứa (bao gồm khí trơ trong đó có khí xenon) tạo ra tia sét và phát sáng.

Nếu chưa thể mường tượng ra cách nó phát sáng như thế nào các bác có thể hình dung bằng cách chọn ngày mưa to gió lớn, cầm cái đinh 10 lên nóc nhà nhìn trời là sẽ hiểu. Nếu chưa hiểu có thể lặp đi hành động này, nó tuỳ thuộc vào các bác và em cũng “tuyên bố từ chối trách nhiệm” nếu các bác đã hiểu.

Về cơ bản nó là như vậy (theo tài liệu thì mỗi ông nói một khách, tài liệu hela khác với ông philips) nhưng về cơ chế hoạt động thì giống nhau.

Vậy nên, cơ chế phát sáng của nguồn sáng tương đồng với công nghệ bóng đèn sợi đốt. Đều sử dụng nhiệt lượng để phát sáng.

Ưu điểm lớn nhất của bóng Xenon đó là nó đã tạo ra ánh sáng trắng (khoảng 5000K đến 5500K) loại bỏ màu vàng vàng của các loại bóng đời cũ halogen, giúp người lái xe quan sát tốt hơn, đỡ gây buồn ngủ hơn, lái xe an toàn hơn.

Dễ hiểu hơn, ánh sáng halogen như ánh sáng lúc hoàng hôn, mờ mờ ảo ảo dễ gây buồn ngủ nếu nhìn mãi trong khoảng thời gian dài, ánh sáng bóng xenon đã sáng hơn như ánh mặt trời ban ngày (ánh sáng mặt trời khoảng 5200K) khiến người lái xe tỉnh táo hơn, nhìn rõ hơn.

Nhưng bóng xenon bắt buộc phải đi kèm với Project hay còn gọi là cụm Bi (sẽ được nói về công nghệ này phía dưới) và cũng giống như bóng halogen, sáng chậm nhanh tối.

Và nay, công nghệ đèn led ô tô lên ngôi.

Để sở hữu được một chiếc xe sử dụng đèn xenon các bác phải chi tiền cho một em vợ trong phân khúc C, ít nhất phải cỡ Á hậu vớt. Chứ mấy xe hạng A,B thì đừng mong, nó khiến giá đắt hơn và như ngày nay sự cạnh tranh về giá vô cùng khốc liệt.

Khó có thể phân định đèn Led tốt hơn hay đèn Xenon tốt hơn. Nó phụ thuộc vào nhu cầu và “niềm tin” của các bác.

Nhưng nếu để ý sự chuyển dịch về công nghệ chiếu sáng từ chính thiết bị trong ngôi nhà các bác sẽ thấy : sợi đốt- huỳnh quang – led.

Độ đèn bi xenon vẫn có cái hay, sự hữu ích nhất định, nhưng độ bi led cũng không kém cạnh mà công nghệ mới hơn ( công nghệ mới bao giờ cũng tốt hơn vì nó loại bỏ được các nhược điểm của công nghệ cũ).

Với đèn led tiêu thụ năng lượng sẽ thấp hơn. Bớt nóng hơn và sáng hơn. Nếu các bác muốn tìm hiểu công nghệ chiếu sáng bằng Diot LED có thể tìm đọc các tài liệu khác trên GG.

Đèn led có hai dạng phổ biến hiện nay đó là bóng đèn led và cụm bi led.

Bóng đèn led dành cho các bác cần sự nguyên bản do xe còn mới sợ va chạm với mấy ông trong hãng về bảo hành. Ngoài ra cũng có rất nhiều bác do đã bị chập cháy khi độ Bi do mấy ông thợ chưa lành nghề, các xưởng không chuyên phẫu thuật cặp mắt cho vợ hai. Để nguyên thì hơi thong manh tí xíu, phẫu thuật không cẩn thận lại “tèm nhem” thêm. Chẳng báu bở gì khi nâng mí, lắp kính áp tròng.

Hơn nữa, sau khi nghị định 100 ra đời cũng khá nhiều bác quan tâm đến việc bị phạt khi đã có chế tài, khó kiểm định. Việc này em chẳng biết đâu, chỉ mơ hồ là nghị định cấm lắp thêm các loại đèn pha phía trước, còn việc thay thế thì em thấy chẳng sao. Còn luật thì các bác nên tự tìm hiểu, ở ta con trâu còn xâu được qua lỗ kim nếu các bác biết cách.

So với việc độ bi thì thay bóng đèn led cho ô tô sẽ có giá cả dễ chịu hơn, mỗi xe sẽ có một mẫu bóng phù hợp, cùng là 1 mẫu bóng đèn khi lắp đèn led cho Vios sẽ thấy chất lượng khác và lắp cho Cerato sẽ khác. Nó phần lớn phụ thuộc vào tiêu cự choá so với bóng.

Và nếu am hiểu, tỏ tường thiên văn địa lý và là đại gia, chịu chơi thì độ bi led sẽ là giải pháp khiến các bác “đã mắt” nhất.

Với Bi xenon, ánh sáng sẽ mờ nhanh hơn theo thời gian do hai lý do:

– Nguồn sáng yếu dần.

– Bóng quá nóng dẫn tới việc bong lớp xi (thậm chí cháy choá) khiến ánh sáng không phản xạ được tốt nữa.

Vụ này các bác có thể để ý, ban đầu khi lắp nhìn đã mắt lắm, mặt cắt đẹp sáng rọi, rõ và xa. Nhưng chỉ khoảng 3 đến 5 tháng sẽ thấy sự khác biệt nếu các bác ham rẻ lắp hàng gia công.

Cho nên nếu thích ánh sáng “thật rực rỡ” thì hiện nay xu hướng đó là Bi Led, cam kết các bác sẽ thấy thực sự hài lòng (nhưng giá sẽ chát nếu sử dụng hàng tốt), còn nếu đơn giản mà vẫn tạo ra hiệu quả thực sự thì thay bóng đèn led cho ô tô là giải pháp tối ưu.

Các loại chân đèn phổ thông cho xe ô tô tại Việt Nam.

Nói về vụ này em tâm sự thêm một chút, khá buôn cười là trước đây đội SEO viết nội dung bên em có viết bài về chân đèn pha cho ô tô và ngay sau đó có một vài website lập tức copy một phần nội dung đó và đăng tải. Và xin thưa các bác là thời điểm viết bài đó nó chưa thực sự chính xác và còn ít thông tin.

Cũng khuyến cáo các bác đang cùng chiến tuyến với bên em, hiện nay bảo vệ bản quyền nội dung đang ngày một được chú trọng, ngoài vấn đề bản quyền bảo vệ nội dung trên Google tránh thuật toán Google Panda/ Google Penguin Algorithm những nội dung trên này còn được bảo vệ bởi DMCA. Thông tin đưa ra nếu các bác sử dụng lại vui lòng cho em xin trích dẫn và link để tránh vấn đề bản quyền.

Động chạm vào đèn đóm mới biết được, nó khá “khù khoằm”. Không đơn giản chỉ là thay bóng halogen bằng bóng đèn led là xong, nào là chân đèn, cùng mẫu xe nhưng đời xe khác nhau chân đèn khác nhau. Ví dụ chiếc Cerato đời 2011 là hai bóng pha cốt riêng biệt nhưng bóng pha là chân H1 bóng cốt lại chân H7, nhưng cũng ông Cerato 2017/2018 hai bóng pha cốt lại là H7.

Chẳng hiểu các ông sản xuất thiết kế như vậy làm gì, đánh đố người sủ dụng. Thế nên mới sảy ra tình trạng ngay cả các bác làm Gara hay thợ nội thất cũng chẳng biết rõ về nó, chỉ ông nào chuyên đèn lắp nhiều mới vỡ lẽ ra vấn đề. Nhìn chung nó sẽ có thông tin cơ bản như sau:

Các chân đèn thường thấy tại thị trường Việt Nam:

Bóng đèn chân H1.

Thường dùng cho đèn pha, chẳng cứ xe nào. Một vài xe hay sử dụng đó là các dòng xe của Hàn, Ford chẳng hạn như Kia K3, Cerato, Colorado…

Bóng đèn chân H3.

Hiếm gặp, em mới gặp nó trên một số xe Daewoo đời nhà tống và trên các dòng xe tải như con Howo, xe khách như con Mẹc 16 chỗ. Nó gần như là bóng trợ sáng cho bóng chính là H4.

Bóng đèn chân H4.

Phổ biến nhất trên các mẫu xe phân khúc A, B như Kia Morning, Vios E, Cruze, Spark, Gezt, Mazda BT50, Ford Ranger, Kia Rio…

Nhìn chung để có thể nhận dạng bóng này các bác cứ nhìn thẳng vào chóa đèn nếu mỗi bên nó chỉ có một bóng (bóng chính nhé,loại trừ bóng xi – nhan và đèn ban ngày) thì nó đúng là H4.

Bóng đèn chân H7.

Phổ biến nhất cho mấy ông xe hàn như của Kia, Hyundai Santafe, Kona hoặc Ford Focus… Mà nói về vụ lắp đèn cho mấy dòng xe Hàn Quốc nó lắp cái rắc rối phiền phức. Hầu hết các xe này khi lắp bóng LED cần một bộ ngàm giữ chân hay còn gọi là bộ Kit đèn LED, Adapter đèn led…

Không có phụ kiện này đố các bác lắp được cho mấy ông Hàn xẻng, chẳng hiểu các ông ý “chơi trội” như vậy làm gì, nhưng phải theo họ thôi.

Bóng đèn chân H8/H9/H11/H16JP.

Tại sao em lại liệt kê các chân này gộp vào với nhau, đơn giản vì nó cấu tạo y hệt nhau kể cả về đế giữ bóng lẫn chân nguồn điện và có thể lắp chung. Tuy nhiên, tên gọi khác là sẽ có cái khác biệt nhưng nó không ảnh hưởng gì nhiều.

Đặc thù của chân đèn H11 thường thấy trên một số mẫu xe như của Nissan, Ford ranger 2017/2018.., Vios G 2019/ 2020, Mazda 3…dùng cho đèn cốt. Có hai loại đèn cốt chóa phản xạ như Nissan khác với đèn cốt Bi cầu như Vios G hoặc Mazda 3. Nhưng nó vẫn dùng cho đèn chiếu gần.

Điểm thú vị nữa đó là đèn H11 còn được dùng cho đèn gầm (Fog light) điển hình như một số mẫu của dòng xe Nissan sử dụng pha/cốt/ gầm đều là chân H11. Mà đặc thù sử dụng chính cho đèn gầm phải là chân H8/H9/H10.

Chân đèn H16JP cũng có cấu tạo y hệt như H11, nhưng theo lý thuyết khai phá tài liệu từ Hela và quy chuẩn đèn quốc tế thì nó nhẹ điện hơn. Đèn H16JP theo công nghệ chiếu sáng cho các xe được sản xuất ở Nhật Bản, nó khác biệt hoàn toàn so với đèn H16EU được sản xuất ở Châu Âu, nhưng sẽ sử dụng chính để làm đèn sương mù.

Bóng đèn chân HB3 – 9005.

Thường dùng cho đèn pha trên các mẫu xe Honda hoặc Vios G bản mới.

Bóng đèn chân HB4 – 9006.

Lắp đặt cho đèn cốt là chủ yếu, cũng khá hiếm gặp. Nếu các bác nhìn thấy phía sau đèn ghi HB3 hoặc HB4 thì còn có tên gọi khác là 9005 và 9006.

Bóng đèn chân HIR2 – 9012.

Đây là bóng đèn khá hay, em gọi nó là bóng đèn lai. Em thích gọi vậy còn kệ các bác. Bởi bóng đèn này thường sử dụng cho Bi cầu có màn sập.

Bi cầu có màn sập có cấu tạo tương tự cụm Projector khác, nhưng đặc điểm cấu tạo của nó sẽ hơi khác biệt ở một điểm đó là nó đảm nhiệm hai chức năng pha cốt trên cùng một cụm đèn.

Dễ hiểu, với dòng xe sử dụng bóng loại này sẽ chỉ cần thay một bộ đèn led ô tô là đã có cả pha cả cốt chung. Trong cụm Bi sẽ được thiết kế một Màn sập, màn sập này thực chất là một tấm ngăn sáng phản xạ vào một khu vực cụ thể trong chóa mini của Bi cầu và được điều khiển bằng một Mô tơ.

Mô tơ này ăn điện theo nguồn pha hoặc cốt, khi màn sập bung hết toàn bộ ánh sáng sẽ phản xạ vào chóa bên trong Bi cầu và đi ra bên ngoài nó sẽ thành pha, khi sập xuống nó sẽ tạo thành một bức vách ngăn sáng hắt lên phía trên mắt người đối diện tạo thành đèn cốt.

Chính vì vậy để thay bóng đèn led cho chân đèn Hir2 – 9012 các bác chỉ cần thay một bộ hai bóng là đã có thể có cả pha cả cốt với đèn led. Dòng xe thường gặp nhất cho bóng đèn này là các mẫu xe của Toyota như Vios G, Toyota Fortuner, hoặc như Mitsubishi Pajero Sport…

Đó là các chân bóng đèn pha/ cốt phổ thông nhất, nhưng chưa hết, ngoài ra còn các chân bóng mà chẳng bao giờ các bác nghĩ là nó sẽ có như: 9007, 9007-HB5( nhìn giống H13-9008) nó cũng có chức năng pha cốt chung một bóng giống H4(H4 khá giống 9004 có thể lắp chung được, và có đặc điểm riêng nhưng nó là hai loại bóng khác nhau), H27 -880/881 (đèn gầm Kia Morning).

Tóm lược, các bác chỉ cần biết chủ đạo những mẫu bóng đèn thường dùng, với các mẫu bóng khác sử dụng đa phần cho thiết kế những mẫu xe chuẩn Mỹ hoặc Châu Âu, ít xuất hiện tại thị trường Việt Nam nên không cần quan tâm nhiều.

Để có thể tìm mua đúng mẫu chân đèn phù hợp các bác nên tháo đèn ra và nhìn phía sau của bóng Halogen, mọi thông số nó đều nằm ở trên đó. Hoặc gọi trực tiếp cho đội ngũ đèn led ô tô Owleye để tìm hiểu thêm.

Các hãng sản xuất đèn LED ô tô.

Nếu nói để là hãng sản xuất đèn led ô tô xe máy thì nhiều vô kể, nhưng các bác thường nhầm lẫn giữa hãng sản xuất đèn và hãng sản xuất diot led. Ví dụ với đèn led sử dụng diot led Philip thì các bác gọi nó luôn là đèn led Philip, đèn led sử dụng chip nhân XHP50/70 thì là Cree.

Cũng không sao, bản thân mấy ông lớn này không chỉ sản xuất đèn mà còn bán luôn diot led với công nghệ sản xuất của hãng cho các nhà sản xuất hoàn thiện đèn led khác nhau.

Chung quy lại có 4 loại led chip phổ biến trên thị trường bao gồm: Philip (ZES), Cree (XHP/GXP) CSP (Z19) và COB của Trung Quốc. Duy có ông led COB là hơi mơ hồ về thuật ngữ bởi COB thực chất là một công nghệ đóng mạch led chip (giống SMD, DIP) nhưng vì nó có vẻ là môt công nghệ xuất phát từ Trung Quốc nên hầu hết đều gọi nó là chip led tàu.Với lợi thế giá rẻ nên các sản phẩm đèn led COB thường được gia công tại các xưởng nhỏ lẻ, đánh trọng tâm vào phân khúc khách hàng tầm thấp.

Điển hình của loại chip COB phải kể đến mẫu đèn led ô tô xe máy huyền thoại C6 với bản chip to. Nhược điểm của loại led này là tuổi thọ ngắn, không có độ LUX cao nên không thể soi rõ cũng như chiếu xa được.

Hai loại LED Philip và Cree thì khá nổi tiếng cho nên giá thành sản phẩm thường cao hơn nhiều, còn lại chip CSP (có xuất thân công nghệ Hà Quốc) cũng có chất lượng rất tốt với ánh sáng chụm, chiếu xa tốt.

Đèn Bi Cầu.

Cũng không rõ tại sao lại có tên là Bi Cầu, thuật ngữ này đến từ đâu em cũng chịu, nhưng có một điều chắc chắn rằng từ “Bi” nó là hai, tức là hai chức năng trên một bóng. Nhưng nó cũng sẽ có loại bóng đơn chỉ đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể là đèn chiếu xa (đèn pha – Hight Beam) và đèn chiếu gần (đèn cốt _ Low Beam)

Đèn Bi Cầu ô tô là gì?

Là mẫu đèn nâng cấp khác biệt so với loại chóa đèn phản xạ thông thường, ánh sáng từ nguồn sáng phát ra được phản xạ ra ngoài đi qua một thấu kính hội tụ tạo độ chụm sáng cho cụm đèn, giúp nó chiếu xa hơn các loại pha ô tô thông thường.

Cấu tạo đèn bi cầu ô tô.

Về cấu tạo có thể kể đến 5 bộ phận chính cấu thành lên bộ bi cầu ô tô (Bi Halogen, Bi Xenon giống nhau, Bi LED có đôi chút khác biệt).

Toàn bộ cụm bi: là khung chứa tất cả các bộ phận cấu thành cho Bi cầu.

Nguồn sáng: bóng đèn halogen, xenon hoặc mắt diot led.

Màn sập: với loại Bi cầu có hai chức năng pha cốt chung sẽ cần có màn sập để phân tách luồng ánh sáng.

Thấu kính: phía cuối đường ánh sáng phát ra có chức năng hội tụ ánh sáng.

Quạt: chỉ Bi led mới có quạt để giúp tản nhiệt lượng.

Cơ bản, Bi halogen nguyên bản theo xe và Bi Xenon giống nhau về cấu tạo chỉ khác nhau về nguồn sáng, hoàn toàn có thể thay thế bóng đèn nếu sử dụng đúng chân đèn.

Liên quan: Bi cầu ô tô màn sập là gì, cấu tạo và loại đèn phù hợp khi thay đèn led.

Nhưng các bác cần biết thêm… Bi xenon nguyên bản từ nhà sản xuất sẽ có các chân đèn đó là D1S/D2S/D3S/D4S hoặc D1C/D2C/D3C/D4C hoặc D1R/ D2R/ D3R/ D4R. Các chân đèn này khác nhau như thế nào sẽ có bài viết sau chia sẻ thông tin.

Để thay thế được cho các mẫu xe này( ví dụ các xe như Camry, Mazda6, Santafe…thường sử dụng chân bóng đèn DS) cần thay đúng chuẩn chân.

Nếu đang sử dụng các dòng xe có trang bị Bi cầu nhưng nguồn sáng là bóng đèn Halogen các bác hoàn toàn có thể thay sáng bóng Xenon hoặc bóng LED, yêu cầu là chuẩn chân đèn.

Nên độ đèn led hay đèn Xenon để tăng sáng?

Nên độ đèn led hay đèn xenon? Đây là băn khoăn được nhiều bác tài sử dụng ô tô hỏi nhiều nhất trên các diễn đàn, hội nhóm facebook. Thực tế thì mỗi loại đều có ưu nhược điểm khác nhau, quan trọng là các bác thích dùng loại nào.

Nói thật với các bác, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Khập khiễng ở đây không phải là sự nhận định sai lệch về thông tin, thực tế nó đều là ý kiến chủ quan từ phía người viết cũng như người đọc. Tuy nhiên, những gì “thuộc về chân lý” thì nó sẽ được nhiều ý kiến đồng thuận hơn.

Nói về LED và Xenon thì “thằng 8 lạng, kẻ nửa cân” tính đến thời điểm em đang viết bài này. Nhưng đến năm nay khi công nghệ đèn LED đã tốt hơn, người sử dụng có vẻ đã an tâm và tin tưởng vào led nhiều hơn.

Độ đèn led thường sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho các bác thích sự nguyên bản, bởi nó chẳng chần đục khoét, độ đẽo gì. Chỉ cần tháo bóng cũ thay bóng led vào.

Việc này không làm ảnh hưởng tới bảo hiểm xe, và cũng chẳng lo bị phạt. Nếu các bác sử dụng ô tô các bác không lạ gì thông tư 100 vừa ra, nôm na là sẽ từ chối đăng kiểm đối với những xe lắp thêm các loại đèn phía trước. Về câu từ thì nó sẽ là “lắp thêm”. Còn thay thế thì không được nhắc tới. Đây là góc nhìn cá nhân người viết bài, còn nhận định của các bác như nào thì các bác “tự hiểu”.

Độ đèn xenon, hiện nay nó là tốt nhất dành cho bi cầu. Các bác nên biết, choá đèn có hai loại: dùng choá phản xạ và dùng bi cầu. Các bác mà mang bóng xenon lắp vào cụm đèn choá phản xạ là hỏng bét. Rất nhiều bác ở xa đã được các cửa hàng nội thất không chuyên lắp đặt như vậy, “hệ quả là đèn vỡ rất nhanh, kính lái hỏng… Nguyên nhân bắt nguồn từ “gạch“.

Thực tế thì choá phản xạ đóng vai trò như một tấm gương, nó sẽ phản xạ ánh sáng của bóng đèn sau đó chiếu ra ngoài theo hướng ngược lại. Để dễ hiểu các bác có thể lấy một tấm gương soi sử dụng hai nguồn sáng khác nhau là bóng đèn và chiếc đèn pin chiếu vào, các bác sữ hiểu nguyên lý và sự khác biệt.

Với cấu tạo của đèn xenon, trong cụm project ( thường gọi là cụm bi, thuật ngữ này vẫn chưa hoàn toàn chính xác, tuy nhiên cứ tạm gọi là bi cầu cho dễ hiểu và phân biệt) sẽ có một choá phản xạ mini, ánh sáng sẽ được phản xạ ra ngoài xuyên qua một thấu kính giúp ánh sáng hội tụ, gom sáng hơn rất nhiều, và quan trọng nó tạo mặt cut off chuẩn không gây chói cho người đối diện.

Công nghệ chiếu sáng này thật tuyệt vời, nó vừa tăng khả năng chiếu sáng giúp lái xe an toàn hơn, lại vừa đảm bảo vấn đề giao thông văn minh.

Vậy, nếu các bác chọn led thì thoải mái sử dụng cho cả choá phản xạ và cả bi cầu, nhưng nếu muốn dùng xenon thì bắt buộc phải lên quả Projector. Và sử dụng đúng loại sẽ mang lại hiệu quả tuyệt đối.

Thêm, xe đã có sẵn Bi cầu nên sử dụng Led hay Xenon.

Câu hỏi này được quan tâm rất nhiều. Những xe đã được nhà sản xuất nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng Bi Cầu như: Vios G, Kia Morning, Fortuner, Kia Cerato, K3… Đã có sẵn bi nên sử dụng led hay xenon?

Nên sử dụng bóng Led ô tô đúng loại cho Bi Cầu các bác nhé.

Thứ nhất: không gây nóng, không độ đẽo không sợ chập cháy.

Thứ hai: tiết kiệm điện, không hao bình.

Có một thực tế là cụm Bi cầu theo xe thường có chất lượng không cao. Thế nên chỉ một thời gian khi sử dụng nó bắt đầu có hiện tượng tối dần. Việc này sẽ thấy rõ nhất khi các bác chạy xe khu vực ngoại thành, đường cao tốc quốc lộ.

Tầm nhìn sẽ bị hạn chế bởi khả năng chiếu xa, độ rộng của vòm sáng. Còn khi thường xuyên di chuyển trong nội đô, thành phố thường sẽ ít cảm nhận thấy sự khác biệt, hệ thống đèn trong phố đã giúp nhìn khá rõ, thậm chí nhiều lái mới khi lái xe ban đêm còn quên bật đèn đến khi giao thông dừng xe mới “ngã ngửa”.

Vậy tại sao người viết bài lại khuyên các bác lắp bóng đèn led thay vì xenon?

Vì nó đơn giản đến từng thao tác mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Đèn Led có quang thông cao hơn Halogen và Xenon rất nhiều. Hiểu nôm na quang thông chính là Lumen, đây là đại lượng đo độ lớn của nguồn sáng. Lumen càng cao thì càng sáng, còn khi lắp cho bi cầu thì chẳng cần quan trọng LUX, vì nó đã có sự hội tụ sáng một cách tối đa.

Liên quan: Lumen, LUX là gì? Tại sao chúng quan trọng khi độ đèn LED cho ô tô?

Quan trọng là phải đúng loại dành cho bi cầu thì hiệu quả sẽ rất tốt. Các bác thử dùng loại bóng đèn led dành cho bi cầu của hãng Owleye A360 sẽ khá hiệu quả. Với loại bóng led ô tô này ánh sáng sẽ được phát ra một góc 360 độ, tản đều vào trong choá mini và đi ra ngoài, hiệu quả tăng sáng sẽ tốt hơn nhiều.

Còn nếu tin dùng xenon thì khuyên các bác nên “bổ mắt” cho em nó để hiệu quả và sử dụng bền lâu, các bác có thể tham khảo GTR (hàng cao cấp và bình dân đều có) hoặc một số hãng khác như Domax của Aozoom cũng được người sử dụng đánh giá cao.

Tuy nhiên, khuyên các bác nên chọn các cơ sở uy tín để độ lại. Nó giống như việc các ông bác sỹ khám và mổ thôi. Việc chuẩn đoán thì khá đơn giản, phẫu thuật mới khó, độ đẽo mà linh tinh đi dây sai dẫn tới hệ luỵ như chập cháy, hấp hơi, tiền cá quá tiền cơm.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về đèn led ô tô xe máy các bác có thể tham khảo thêm, em sẽ tiếp tục cập nhật các thông mới hơn. Để tiện theo dõi các bác có thể liên hệ hoặc follow Mắt Cú.vn đại lý phân phối chính thức của Owleye để cập nhật liên tục các thông tin mới.

Bài viết đang cập nhật…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *